Chất lượng không khí ở Hà Nội nhiều ngày ở mức xấu
- Nhiều ngày qua, chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận ở mức xấu, thậm chí nhiều điểm đo vào sáng ở mức kém, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Gieo muối vào mây làm mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí
- Nồng độ bụi mịn ở Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn quốc gia
- Đến 2030, Việt Nam đầu tư lắp đặt thêm 18 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động
Sáng 11/11, theo Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN-MT, các điểm quan trắc tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) lúc 9h sáng chất lượng không khí đều rất kém - ở ngưỡng cảnh báo tím.
Điểm quan trắc tại đường Nguyễn Văn Linh (TP Hưng Yên, Hưng Yên) và đường Trần Thái Tông (TP Thái Bình, Thái Bình) chất lượng không khí cũng ở ngưỡng rất kém.
Chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội nhiều ngày qua rất xấu |
Một số nơi khác ở Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên cũng có chất lượng không khí xấu (cảnh báo đỏ).
Đến 13h cùng ngày, nhiều điểm quan trắc vẫn cảnh báo chất lượng không khí ở mức xấu như điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên; điểm đo ở Đại học Bách khoa Hà Nội…
Không chỉ sáng nay mà nhiều ngày qua, người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội luôn cảm nhận được bầu không khí ô nhiễm, khó chịu vào lúc sáng và chiều muộn.
"Về buổi chiều muộn nhiều ngày nay, tôi cảm thấy khó thở, bầu không khí đặc quánh, bụi bặm và khó chịu"- bà Nguyễn Thị Lành ở KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội phản ánh.
Chất lượng không khí tại nhiều điểm ở Hà Nội vào 13h ngày 11/11 vẫn ở ngưỡng xấu |
Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, phát thải ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ hoạt động giao thông vận tải bao gồm cả bụi đường, khí thải từ số lượng lớn các xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó hoạt động xây dựng nhà ở, công trình giao thông, công ích chưa nghiêm túc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, quản lý như che chắn, rửa xe, vệ sinh... làm phát sinh bụi.
Ngoài ra các khu vực quanh Hà Nội người dân vẫn đốt rơm rạ tại cánh đồng khá phổ biến. Và các yếu tố khác như điều kiện khí hậu, thời tiết cũng là nguyên nhân khách quan tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh thành ở phía Bắc.