Đặc phái viên Mỹ đề xuất mô hình nước Đức hậu Thế chiến 2 tại Ukraine
  • 12/042025
  • NGUYỄN THỊ GIANG

Đặc phái viên Mỹ đề xuất mô hình nước Đức hậu Thế chiến 2 tại Ukraine

- Đặc phái viên tổng thống Mỹ về Ukraine - ông Keith Kellogg nói rằng Ukraine có thể bị chia thành các khu vực riêng biệt như một phần của thoả thuận hoà bình, tương tự Đức sau Thế chiến II.

Trả lời phỏng vấn của tờ The Times ngày 11-4, Đặc phái viên tổng thống Mỹ về Ukraine - ông Keith Kellogg nói rằng Ukraine có thể bị chia thành các khu vực riêng biệt như một phần của thỏa thuận hòa bình với Nga.

Ông Kellogg đề xuất thành lập một “lực lượng bảo đảm an ninh” do Anh và Pháp dẫn đầu tại miền tây Ukraine, đồng thời tập trung quân đội Ukraine ở phía đông sông Dnipro – nơi sẽ thiết lập một khu phi quân sự gần với ranh giới kiểm soát hiện tại. Nga sẽ tiếp tục kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát.

“Bạn gần như có thể tạo ra một mô hình giống như Berlin sau Thế chiến II, trong đó có một khu vực do Nga, một khu vực do Pháp, một khu vực do Anh và một khu vực do Mỹ quản lý” - ông Kellogg nói.

Đặc phái viên của ông Trump: Ukraine có thể bị chia cắt như Đức sau Thế chiến II
Đặc phái viên tổng thống Mỹ về Ukraine Keith Kellogg. Ảnh: GETTY IMAGES

Mặc dù Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ ý tưởng triển khai binh sĩ châu Âu để giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, ông Kellogg cho rằng một lực lượng do Anh và Pháp chỉ huy ở miền tây Ukraine “sẽ không hề khiêu khích” đối với Nga.

“Bạn đang ở phía tây sông Dnipro – đây là một rào cản tự nhiên lớn” - theo đặc phái viên Mỹ.

Ông Kellogg cũng đề xuất thiết lập một khu phi quân sự dài khoảng 30 km ở miền đông Ukraine dọc theo chiến tuyến hiện tại, nhằm làm vùng đệm giữa lực lượng Nga và lực lượng phương Tây.

“Bạn nhìn vào bản đồ và vẽ ra, tạm gọi là một khu phi quân sự (DMZ). Đẩy lùi cả hai bên mỗi bên 15 km, thì thành 30 km. Và bạn sẽ có một khu DMZ có thể giám sát được” - ông Kellogg giải thích.

Đặc phái viên Kellogg thừa nhận rằng Nga có thể sẽ không chấp nhận đề xuất này.

Tuy nhiên, ông Kellogg cũng cho rằng các điều kiện của thoả thuận ngừng bắn có thể bị vi phạm.

“Liệu sẽ có vi phạm xảy ra không? Có thể, vì chuyện đó luôn xảy ra. Nhưng việc giám sát là tương đối dễ dàng” - ông Kellogg nói thêm.

Theo ông Kellogg, Mỹ sẽ không triển khai bất kỳ binh sĩ nào tham gia lực lượng bảo đảm an ninh tại Ukraine.

Đặc phái viên Mỹ cũng cảnh báo Anh và Pháp không nên trông cậy vào sự hậu thuẫn của Mỹ trong “liên minh tự nguyện” – một nhóm gồm các nước châu Âu đã cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine sau thỏa thuận ngừng bắn.

“Luôn luôn phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất” - ông Kellogg nói, đồng thời nhấn mạnh rằng lực lượng này vẫn có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phát biểu của ông Kellogg đánh dấu lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ đề xuất lấy sông Dnipro làm ranh giới phân chia Ukraine sau chiến sự.

Nga và Ukraine chưa bình luận về phát ngôn của đặc phái viên Mỹ.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline (024) 368 86006
Liên hệ qua Zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: