Khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô
  • 20/122024
  • NGUYỄN THỊ GIANG

Khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô

Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố Hà Nội đã đề ra 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố. Giám sát thực hiện nghị quyết vào cuối năm 2024, HĐND thành phố nhận định, dự báo đến cuối nhiệm kỳ, có 3 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành vượt kế hoạch, 5 chỉ tiêu tiếp tục thực hiện trong năm 2024, 2025 và dự kiến hoàn thành kế hoạch; 12 chỉ tiêu còn nhiều thách thức, khó hoàn thành.

Nhằm làm rõ vấn đề này, Báo Hànộimới trân trọng gửi đến bạn đọc loạt bài “Khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô”.

Bài 1: Gương mẫu đưa nghị quyết vào cuộc sống

Với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong, gương mẫu trong triển khai các nghị quyết của Trung ương đi vào cuộc sống, đóng vai trò là cực tăng trưởng kinh tế, trung tâm đổi mới, sáng tạo của cả nước. Giai đoạn 2021-2025, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô đã triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Thành ủy, đạt được nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.

giam-sat.jpg
Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội làm việc với các sở, ngành về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của HĐND thành phố.

Triển khai nghiêm túc

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng các chương trình hành động, chương trình, kế hoạch công tác để quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Chủ đề công tác hằng năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều được xác định là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, thể hiện quyết tâm cao nhất từ cấp thành phố đến cơ sở, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Qua đợt giám sát mới đây, HĐND thành phố ghi nhận, UBND thành phố đã ban hành và triển khai nghiêm túc các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy; Chương trình hành động số 277/ CTr-UBND ngày 5-12-2021 của UBND thành phố thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025… Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và quận, huyện, thị xã triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của ngành và địa phương, thể hiện công tác điều hành chủ động, sát sao, trách nhiệm nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao gắn với nâng cao ý thức công vụ, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của thành phố.

Đặc biệt, thành phố đã tập trung xây dựng và tham mưu xây dựng thể chế, chính sách tạo lập không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn cho phát triển Thủ đô, trong đó Luật Thủ đô năm 2024 đã được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội, tạo cơ hội khơi thông nguồn lực cho xây dựng và phát triển Thủ đô. Việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đột xuất với những kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực đã và đang đóng góp tích cực vào thành tựu chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực phía Bắc và cả nước.

Đến nay, Hà Nội có 3 chỉ tiêu hoàn thành sớm: Số giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ thất nghiệp thành thị; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 5 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành: Tỷ lệ tổ dân phố, thôn làng, gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo; diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố.

Thủ đô ngày càng có nhiều khởi sắc

Báo cáo với HĐND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải khẳng định, kinh tế phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 tăng 6,27% và bình quân giai đoạn năm 2021-2023 tăng 6,04%; cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Ước tính năm 2024, GRDP tăng 6,52%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 3 năm 2021-2023 đạt 76,1% dự toán so với kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm 2021-2025, chiếm 18,8% so với tổng thu ngân sách của cả quốc gia giai đoạn 2021-2023. Thu ngân sách năm 2024 ước đạt hơn 492 nghìn tỷ đồng, tăng 119% so với năm 2023.

Thành phố đã cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, phát triển các thành phần kinh tế. Hà Nội cũng đã hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng nông thôn mới, là địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Thành phố đã khởi công và triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông đã đi vào vận hành; hoàn thành hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, khánh thành đường Âu Cơ - Nghi Tàm và thông xe đường Xuân Diệu, cùng nhiều dự án công viên, vườn hoa, góp phần tạo diện mạo khang trang, thêm nhiều không gian xanh mát trong lòng Thủ đô.

Công tác giáo dục và đào tạo Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện về chất ở các cấp học, ngành học. Thủ đô tiếp tục giữ vững là lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí nâng cao chất lượng giáo dục. Hà Nội là đơn vị đứng đầu về số lượng giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo đảm tốt an sinh, an toàn xã hội, đặc biệt trong thời gian chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm, nhiều kỹ thuật mới được đưa vào chẩn đoán và điều trị bệnh. Thành phố đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn. Việc tôn tạo các công trình di tích, danh thắng, phát huy giá trị di tích lịch sử được quan tâm; tạo đà cho xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới…

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 xếp thứ 15/63, tăng 33 bậc so với năm 2020. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) ổn định trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, năm 2023 xếp thứ 03/63. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2023 xếp thứ 21/63 - tăng 12 bậc so với năm 2020.

Thủ đô cũng luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố. Hoạt động đối ngoại được mở rộng, xây dựng hình ảnh Thủ đô hòa bình, là điểm đến thân thiện, an toàn với bạn bè quốc tế; liên kết hợp tác phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các địa phương cả nước được tăng cường, khẳng định vị thế của Thủ đô…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn giám sát của HĐND thành phố nhận định, giai đoạn 2021-2025, Thủ đô ngày càng có nhiều khởi sắc, uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhân dân ngày càng được tăng cường. Hà Nội cũng đã triển khai nhanh và quyết liệt những chủ trương của Trung ương, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với những cơ chế vượt trội thực hiện khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội thanh lịch, văn minh, hòa bình, hiện đại, phát triển và là trái tim của nhân dân cả nước.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline (024) 368 86006
Liên hệ qua Zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: