Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải đột phá về chống lãng phí
  • 31/102024
  • NGUYỄN THỊ GIANG

Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải đột phá về chống lãng phí

- Đổi tên, thêm nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo vào hôm qua (30-10).

Cuộc họp được tổ chức trong đó có nội dung triển khai Quy định 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Quyết định 192-QĐ/TW về kiện toàn Ban Chỉ đạo, do Bộ Chính trị ban hành ngày 29-10. Điểm mới của Quy định 191 là đổi tên và bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải đột phá về chống lãng phí
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Về tổng thể, Tổng Bí thư yêu cầu phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp lên cao để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội, trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội. Đưa phòng, chống lãng phí vào nội quy của từng cơ quan, hương ước của thôn, xóm, quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, xử lý các vi phạm từ hành chính đến hình sự.

Thông tin với báo chí, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết để triển khai nhiệm vụ mới này, Ban Chỉ đạo sẽ khẩn trương ban hành hướng dẫn những nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó phải nhận diện các hành vi, biểu hiện lãng phí, cũng như trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí.

Còn về giải pháp, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan liên quan cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Song song đó, sửa đổi, bổ sung ngay các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn.

Để tạo đột phá, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm một số vụ việc lãng phí lớn, dư luận quan tâm. “Tinh thần là xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực” - ông Dũng cho biết quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Với tinh thần như vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo quyết định thời gian tới sẽ rà soát các dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 BV Bạch Mai và Cơ sở 2 BV Việt Đức; dự án chống ngập do triều cường ở TP.HCM; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành…

“Tổng Bí thư yêu cầu phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện” như “cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày”" - ông Dũng nói thêm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Đông, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, cho biết lãng phí là hiện tượng xã hội rất rộng lớn, có nhiều nguyên nhân, mà như Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá là có yếu tố thể chế.

Nay xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, ngang hàng với phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương tham mưu và Thường trực Ban Chỉ đạo xác định trọng tâm của công tác này là phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

tong-bi-thu-chu-tri-cuoc-hop-thuong-truc-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-tieu-cuc-8.jpg
Các Thường trực Ban Chỉ đạo tham dự cuộc họp. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

Vụ AIC đã hoàn thành 100% các cuộc kiểm tra Đảng

Về công tác phòng, chống tham nhũng từ sau phiên họp thứ 26 (ngày 14-8) của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá tất cả được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đã đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh. Từ sau giữa tháng 8 đến nay, các địa phương đã khởi tố mới 656 vụ án/1.367 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 169 vụ án/347 bị can về các tội tham nhũng, nâng tổng số vụ án tham nhũng khởi tố mới ở các địa phương từ đầu năm đến nay là 613 vụ án/1.350 bị can. Con số này tăng hơn 70 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Riêng vụ AIC, với sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đến nay 68 cấp ủy trực thuộc Trung ương đã hoàn thành 100% các cuộc kiểm tra, qua đó xử lý, kiến nghị xử lý 247 tổ chức Đảng, 441 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 26 vụ việc.

Với kết quả ấy, Thường trực Ban Chỉ đạo xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ nay đến cuối năm phải phục vụ các yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 trước đó. Cụ thể, phấn đấu thực hiện cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác chuẩn bị Đại hội XIV.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline (024) 368 86006
Liên hệ qua Zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: